Thiết kế công nghiệp
Estimated reading: 12 minutes
149 views
Thiết kế công nghiệp
Ở Việt Nam, Thiết kế công nghiệp thường được hiểu như là Thiết
kế kiểu dáng. Trong chương này, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua
khái niệm về Thiết kế công nghiệp và vai trò của nó đối với công
tác Thiết kế và phát triển sản phẩm. Chúng ta cũng sẽ xem xét
quá trình thực hiện và cách đánh giá chất lượng của Thiết kế
công nghiệp. Một số ví dụ về các dự án Thiết kế công nghiệp
được đưa ra ở phần cuối chương
Thiết kế công nghiệp là gì?
Có nhiều định nghĩa về Thiết kế công nghiệp, trong đó, định
nghĩa của Hiệp hội Thiết kế công nghiệp Hoa Kỳ được phát biểu
như sau:
Thiết kế công nghiệp
Thiết kế công nghiệp là chuyên môn được dùng để tạo ra và phát triển các concept cũng như thông số sản phẩm nhằm mục đích tối ưu hóa các tính năng, giá trị và hình dáng sản phẩm cũng như hệ thống nhằm phục vụ lợi ích của cả người dùng lẫn nhà sản xuất.
Nhận xét
Với định nghĩa trên, chúng ta có thể thấy được rằng Thiết kế công nghiệp liên quan rất mật thiết đến việc tạo dựng concept sản phẩm cũng như chi phối việc lựa chọn các thông số sản phẩm.Mục tiêu
Mục tiêu mà Thiết kế công nghiệp nhắm đến chính là sự tối ưu các tính năng, giá trị và hình dáng của sản phẩm cũng như của cả hệ thống (bao gồm sản phẩm và các yếu tố liên quan). Việc tối ưu hóa này cần phải mang lại lợi ích cho cả người dùng sản phẩm lẫn nhà sản xuất.
Mục tiêu của Thiết kế Công nghiệp
Ulrich và Eppinger đưa ra 5 mục tiêu quan trọng nhất của Thiết
kế công nghiệp, bao gồm: Sự tiện dụng (hữu ích), Tính thẩm mỹ,
Khả năng bảo trì, Khả năng giảm chi phí, Khả năng giao tiếp –
tương tác. Mục tiêu lớn thứ 6 là An toàn cho người sử dụng.
Sự tiện dụng
Có thể thấy ngay, yếu tố “tiện dụng” hay “hữu ích” gắn liền với tính năng của sản phẩm. Thiết kế công nghiệp cần phải được tiến hành sao cho sản phẩm làm ra có tính năng như mong muốn, tận dụng tối đa giá trị sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, không bỏ sót những tính năng người dùng cần và không có những tính năng thừa (người dùng không cần đến).
Nhận xét
Hình 10.1 mô tả một sản phẩm của Nhật Bản mà tính năng của nó chỉ là làm mát (và làm nóng) một quả dưa hấu. Khó có thể hình dung được nhiều về sự hữu ích/tiện dụng mà nó mang lại.Tính thẩm mỹ
Tính thẩm mỹ liên quan đến vẻ ngoài của sản phẩm, là một trong những yếu tố giúp sản phẩm thu hút người mua, người dùng. Tính thẩm mỹ của thiết kế thể hiện ở “vẻ đẹp” cũng như những cảm xúc mà người dùng có được khi nhìn, cầm, dùng sản phẩm (hình 10.2).
Khả năng bảo trì
Khả năng bảo trì liên quan đến giai đoạn sử dụng sản phẩm. Thiết kế công nghiệp cần phải tính đến khả năng người dùng (kể cả người dùng không có chuyên môn) sử dụng sản phẩm và cần sửa chữa, bảo trì. Thiết kế phải làm cho việc bảo trì đơn giản nhất có thể (hình 10.3).
Khả năng giảm chi phí
Thiết kế công nghiệp cần hỗ trợ cho việc giảm chi phí sản xuất sản phẩm. Việc giảm chi phí này có thể đạt được nhờ Thiết kế công nghiệp thông qua sự hợp lý hóa hình dáng sản phẩm để tiết kiệm vật liệu và chi phí gia công. Hình 10.4 mô tả mẫu thiết kế bộ dao cắt có tên “Maple Set” của Murchison và Thakar chỉ dùng kim loại ở phần lưỡi. Việc này giúp giảm chi phí gia công, vật liệu và tạo điểm nhấn gây chú ý cho sản phẩm (ở phần lưỡi).
Nhận xét
Nhiều ví dụ như trên và các kinh nghiệm thực hành được tổng kết trong nội dung “Design Engineering”. Các bạn có thể tham khảo thêm trên MES Lab. hoặc các nguồn khác.Khả năng giao tiếp – tương tác
Khả năng “giao tiếp” hay “tương tác” của sản phẩm thể hiện ở việc sản phẩm tác động như thế nào với người dùng và ngược lại. Thiết kế công nghiệp cần giúp cho việc sử dụng sản phẩm dễ dàng, trực quan và thuận tiện nhất có thể, hạn chế sai sót của người dùng, hỗ trợ người dùng tiết kiệm thời gian, công sức…khi dùng sản phẩm.
Nhận xét hình 10.5
Hình 10.5 mô tả “giao diện” người dùng của một chiếc điều khiển TV (TV remote control). Phần lớn các loại điều khiển TV hiện nay có nhiều nút bấm tương tự như vậy. Thử hỏi rằng khi chúng ta xem TV, những nút nào chúng ta cần dùng nhiều nhất? Âm lượng, Chuyển kênh, Tắt và Bật. Việc có quá nhiều nút cùng hiển thị kiến “giao diện” của chiếc điều khiển trở nên phức tạp, gây khó khăn và nhầm lẫn cho người dùng.
Nhận xét hình 10.6
Giao diện tốt hơn có lẽ nên gồm những nút bấm chủ yếu được đặt phía trên cùng, những nút nhỏ hơn được đặt ẩn đi hoặc kém gây chú ý hơn. Như thế sẽ tiện lợi hơn cho người dùng (hình 10.6).
Nhận xét hình 10.7
Hình 10.7 mô tả thiết bị khử rung tim dành cho những người bị rối loạn nhịp tim. Thiết bị này có “giao diện” rất đơn giản, với 2 nút bấm lớn màu xanh và da cam cùng những chỉ dẫn đồ họa kèm theo giọng nói. Nó giúp cho người sử dụng dễ dàng thao tác đúng công năng sản phẩm. Với các thiết bị y tế như thế này, đây là điều vô cùng quan trọng, hãy tưởng tượng khi bạn đang ở trong tình huống khẩn cấp, bạn không có đủ thời gian để mở User’s Manual!An toàn cho người dùng
An toàn là yếu tố rất quan trọng, không được phép bỏ qua khi thiết kế sản phẩm. Thiết kế công nghiệp cần phải giúp người dùng tránh được những nguy hiểm có thể phát sinh cho bản thân và cho người khác khi dùng sản phẩm.
Nhận xét hình 10.8
Trên thị trường Việt Nam, có một số sản phẩm gắn ống xả xe máy (hình 10.8) với mục đích trang trí và bảo vệ chân người ngồi sau khỏi sức nóng của ống xả nhưng khi thiết kế chưa tính hết các yếu tố gây mất an toàn. Kết quả là đã có nhiều vụ việc tấm bảo vệ này gây thương tích cho người đi đường. Rất nhiều thông tin trên truyền hình và báo chí phản ánh vấn đề này.Ví dụ
Ngược lại, thiết kế hướng đến sự an toàn của người dùng lường trước những tình huống sử dụng và tìm cách bảo vệ người dùng tốt nhất khỏi những tai nạn có thể phát sinh. Thiết kế của con dao (concept) có tên “Shark in the Sink” (Cá mập trong chậu rửa bát) của Kim Sangun và cộng sự hướng đến điều này (hình 10.9).