Xu hướng 2: Mass Customization
Estimated reading: 10 minutes
98 views
Mass Customization
Mass Customization, tạm dịch là “tùy biến hàng loạt”, viết tắt là MC, là một khái niệm mới xuất hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây. Để hiểu về MC, trước hết chúng ta hãy xem xét nền sản xuất truyền thống với xương sống là hệ thống Sản xuất hàng loạt (Mass Production).
Sản xuất hàng loạt
Sản xuất hàng loạt đã xuất hiện từ trăm năm nay, với sự ứng dụng các dây chuyền sản xuất, lắp ráp và chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Sản xuất hàng loạt mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.Với nhà sản xuất
Vì sản xuất hàng loạt, họ nắm được ưu thế của kinh tế quy mô (economy of scale – có nghĩa là cái gì càng mua nhiều càng rẻ). Với ưu thế này, họ có thể nhập số lớn các linh kiện, vật liệu…từ các nhà cung cấp với giá cả thấp hơn, qua đó tạo điều kiện cho họ nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc giảm giá thành sản phẩm.
Với người tiêu dùng
- Người tiêu dùng cũng qua đó được mua sản phẩm với giá thấp. Ngày nay, phần lớn các mặt hàng tiêu dùng đều được sản xuất hàng loạt. Với các ưu thế của mình, Sản xuất hàng loạt đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của người tiêu dùng và đã thống trị nền công nghiệp trong hơn 100 năm.
- Tuy nhiên, những thập niên gần đây, khi người tiêu dùng ngày càng trở nên giàu có, sành điệu hơn, đồng thời các đòi hỏi về sản phẩm phục vụ công việc ngày càng đa dạng hơn, họ không còn hài lòng với những sản phẩm được sản xuất hàng loạt nữa. Đơn cử như các ví dụ sau:

Ví dụ 1
Khách hàng không thích đi xe, mặc quần áo…hay dùng đồ giống nhiều người khác. Họ muốn thứ gì đó cho riêng họ, chỉ họ có hoặc ít nhất là…ít người có (hình 17.9).
Ví dụ 2
Khách hàng muốn thêm vào sản phẩm đã có những tính năng, phụ kiện không giống ai. Việc này giúp họ thể hiện cá tính hoặc “gu” của mình. Dễ thấy câu chuyện này ở những người ham mê “độ” xe hoặc “mod” thiết bị điện tử (hình 17.10).
Ví dụ 3
Khách hàng khi mua máy tính cá nhân (PC) trước đây hơn 2 thập niên, luôn phải mua cùng một loại máy tính với cấu hình giống nhau, bất kể mục đích của anh ta là dùng để soạn thảo văn bản hay vẽ CAD 3D hay chỉ đơn giản là để lướt web và kiểm tra email. Đây vừa là sự lãng phí vừa là sự hạn chế vì có thể có tính năng người dùng không cần mà vẫn phải mua trong khi có nhiều tính năng họ cần thì lại không có.
Giải quyết vấn đề
Để giải quyết các vấn đề này, người ta đã đưa vào khái niệm
Mass Customization. MC giúp giải quyết được vấn đề đáp ứng
cho rất nhiều nhu cầu đa dạng của khách hàng cùng lúc trong
khi vẫn đảm bảo được sản lượng sản xuất lớn (mass) vì nếu
chuyển qua đáp ứng nhu cầu đa dạng bằng sản xuất đơn chiếc
(thủ công) thì cuộc “cách mạng” này sẽ mất hết ý nghĩa (do giá cả
sẽ đắt đỏ).
Cách làm của MC
Cách làm của MC như sau: chia sản phẩm thành từng mô đun nhỏ và chuẩn hóa. Khách hàng khi mua hàng có thể chọn những mô đun mình cần mua và chỉ cần trả tiền cho những mô đun đó. Nhà sản xuất vẫn cứ sản xuất được hàng loạt (các mô đun) và người tiêu dùng mua được đúng những thứ mình cần với chi phí hợp lý.Ví dụ
Hãng máy tính Dell là hãng lớn đầu tiên áp dụng mô hình MC này khi cho phép khách hàng tự chọn các linh kiện để lắp máy. Sau này, ở Việt Nam, một số công ty máy tính cũng làm tương tự và thậm chí, họ còn bán lẻ linh kiện để người dùng tự lắp ráp thành máy tính của mình (gọi là máy “Đông Nam Á” – hình 17.11).Chuyển từ sản xuất hàng loạt sang MC
- Để chuyển từ sản xuất hàng loạt sang MC, nhà sản xuất phải tiến hành mô đun hóa sản phẩm (modularize) và thay đổi lại cấu trúc chuỗi cung ứng của mình để phù hợp với quá trình sản xuất mới có sử dụng MC.
- Việc mô đun hóa có thể được thực hiện bằng cách thiết kế các kiến trúc sản phẩm mới (xem Chương 9: Kiến trúc sản phẩm) và thiết kế tối ưu cho việc lắp ráp (xem Chương 13: Thiết kế cho chế tạo). Việc thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng có thể thấy ở chỗ nhà sản xuất, thay vì lắp ráp sản phẩm tại kho rồi đem giao cho đại lý/nhà bán lẻ, sẽ giao linh kiện để cho đại lý/nhà bán lẻ để lắp ráp tại nơi bán.
Trì hoãn sự khác biệt hóa
Việc “làm trễ” lắp ráp này được gọi là “differentiation postponement” hoặc “delayed differentiation” (trì hoãn sự khác biệt hóa) và thời điểm trì hoãn vào lúc nào là một yếu tố quan trọng, được nghiên cứu rất nhiều trong ngành Quản lý chuỗi cung ứng (SCM – Supply Chain
Management) cũng như Điều phối hoạt động (OM – Operations Management) trong Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp (ISE – Industrial and Systems Engineering).

Ứng dụng của MC
- MC không chỉ giới hạn ứng dụng của mình ở ngành sản xuất máy tính mà giờ đây, nó cũng lan ra rất nhiều ngành khác: ô tô, thời trang, sản xuất đồ chơi,…
- Vì đặc thù của MC là có sự liên quan mật thiết của người tiêu dùng vào quá trình lựa chọn cấu hình sản phẩm (thiết kế, lắp ráp) nên MC có quan hệ rất mật thiết với Crowdsourcing.
- MC mở ra cơ hội cạnh tranh mới cho các nhà sản xuất thông qua việc đáp ứng tối đa thị hiếu của khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm, tiết giảm chi phí, hạn chế tồn kho.
