Giới thiệu chung
Vào ngày 26/3/2018, Uber chính thức bị “khai tử” tại thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung. Điều này khiến không ít tài xế và khách hàng cảm thấy tiếc nuối trước sự ra đi của ứng dụng gắn bó một thời. Vậy, lí do gì khiến Uber không chỉ bị tụt lại phía sau mà còn bắt buộc phải sáp nhập với đối thủ không đội trời chung của mình là Grab?

Phân tích
- Đầu tiên, phải kể đến Uber đã sai ngay từ khâu đầu tiên – định hình dịch vụ tại thị trường Việt Nam. Thời gian đầu, Uber chỉ tập trung vào khách hàng tầm trung cao cấp. Loại hình dịch vụ di chuyển chỉ có taxi, trong khi tại Việt Nam, xe máy chiếm phần lớn nhu cầu đi lại.
- Vì tập trung vào khách hàng tầm trung nên Uber chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ Credit Card, mà tại thời điểm đó, hình thức thanh toán thẻ ở Việt Nam chưa được phổ biến. Điều này đã dẫn đến những bất cập đối với người dân Việt Nam khi mới tiếp cận, sử dụng các dịch vụ của Uber.
Định hình dịch vụ sai
Từ bước định hình dịch vụ sai, Uber liên tiếp mắc phải các sai lầm khác về xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường. Uber gia nhập vào thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung với “bước chân đầy ngạo nghễ”, vừa tiến vào thị trường đã ngay lập tức tuyên chiến với taxi truyền thống. Hơn nữa Uber cũng không thành lập công ty ở Việt Nam, không đẩy mạnh việc hợp thức hóa và hoàn thiện về mặt pháp lý. Chính lý do đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược kinh doanh của Uber.Rối trong cách xây dựng chiến lược cạnh tranh với đối thủ
Cũng từ định hình dịch vụ sai, Uber ngày càng rối trong cách xây dựng chiến lược cạnh tranh với đối thủ. Đến tháng 9/2017, dịch vụ giao hàng UberDELIVER và thiết kế mũ bảo hiểm, áo cho tài xế nhằm quảng bá thương hiệu mới được ra đời. Nhưng khi đó, chiếc mũ xanh dương đã lọt thỏm giữa rừng mũ xanh lá cây của Grab. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Uber “bán mình” cho Grab tại thị trường Đông Nam Á và khai tử ứng dụng gọi xe của mình.Đối thủ Grab
- Trong khi đó, đối thủ của Uber là Grab lại cực kỳ thành công tại thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Đi ngược hoàn toàn với các chiến lược của Uber, Grab đã định hình được dịch vụ đúng đắn, chỉ một thời gian ngắn sau khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam: nhanh chóng cho ra đời GrabBike và chấp nhận thanh toán cả bằng thẻ lẫn tiền mặt. Ở bước xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, ngay từ đầu Grab đã đẩy mạnh việc hợp thức hóa và hoàn thiện về mặt pháp lý bằng việc sử dụng biển số, đóng thuế và thành lập, đăng ký pháp nhân.
- Và cuối cùng, Grab luôn đón đầu trong những chiến lược cạnh tranh. Như mô hình GrabBike Premium, quảng bá thương hiệu bằng việc phát áo, mũ cho tài xế, hay dịch vụ đi chung xe GrabShare.
Kết luận thất bại của Uber
Như vậy, thất bại của Uber bắt nguồn từ việc xác lập sai bài toán cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Việc này liên tiếp kéo theo việc định hình dịch vụ và xây dựng chiến lược với mục đích phát triển doanh nghiệp. Xác lập sai định hình dịch vụ, chiến lược cạnh tranh đã kéo Uber vào vòng vây không lối thoát. Đây cũng là điểm các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hay mắc phải. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ đi vào từng bước giúp tránh khỏi những sai lầm đó.